Doanh nghiệp bảo hiểm nỗ lực nâng hạng tín nhiệm

Hiện trên thị trường bảo hiểm (BH) phi nhân thọ và tái BH mới chỉ có 5 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) được xếp hạng tín nhiệm từ A.M.Best. Con số tuy còn khá khiêm tốn nhưng cũng cho thấy sự lớn mạnh dần của các DNBH Việt, đồng thời tạo điều kiện để DN Việt bước ra thị trường quốc tế.

doanh-nghiep-bao-hiem-nang-hang-tin-nhiem

Xếp hạng tín nhiệm: Mục tiêu của DNBH

Thị trường BH Việt ngày càng lớn mạnh và hội nhập sâu rộng, theo đó, nhu cầu được xếp hạng tín nhiệm (TN) đang tăng lên trong các nhà BH, bởi được xếp hạng TN sẽ là cơ hội để doanh nghiệp (DN) hoàn thiện hơn nữa về năng lực tài chính, quản lý rủi ro, năng lực quản trị… Đây cũng là “tấm giấy thông hành” không thể thiếu nếu DNBH Việt muốn tham gia sân chơi quốc tế.

Vì vậy, nhiều DNBH Việt đã nỗ lực để được xếp hạng TN từ A.M. Best – một tổ chức uy tín, chuyên đánh giá năng lực tài chính của các DNBH trên toàn cầu. Nếu không tính các DNBH nhân thọ nước ngoài được thừa hưởng xếp hạng quốc tế từ công ty mẹ ở nước ngoài và liên doanh Bảo hiểm Samsung Vina thì hiện nay có 3 DNBH phi nhân thọ và 2 DN tái bảo hiểm Việt được xếp hạng từ A.M. Best, bao gồm PVI, PVI Re, Vinare, BIC và mới đây nhất cuối năm 2016 là sự xuất hiện của Bảo Minh.

Cụ thể, Bảo Minh được A.M. Best đánh giá năng lực tài chính mức B++, sau 2 năm nghiên cứu toàn diện về các chỉ số của Bảo Minh. Kết quả đánh giá này đã phản ánh việc quản trị DN, quản trị tài chính của Bảo Minh ở mức tốt. Hiện Bảo Minh đứng vị trí thứ ba trên thị trường BH phi nhân thọ, với doanh thu năm 2016 ở mức 3.738 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 222,7 tỷ đồng, tổng tài sản trên 5.125 tỷ đồng. Năm 2016 Bảo Minh chia cổ tức lên tới 20%, trong đó 10% là tiền mặt, 10% là từ thặng dư vốn để tăng vốn góp lên 913 tỷ đồng.

“Bảo Minh là DNBH phi nhân thọ Việt Nam duy nhất trên thị trường BH được đánh giá mức B++ ngay trong lần đánh giá đầu tiên của A.M. Best. Đây cũng là mức xếp hạng năng lực tài chính cao nhất mà một DNBH phi nhân thọ Việt Nam nhận được. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động kinh doanh của Bảo Minh, đồng thời đây là yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn nhà BH của các DN khi tham gia BH”, ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc Bảo Minh chia sẻ.

Ngoài Bảo Minh, năm 2016, BIC cũng đã được A.M.Best nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm từ “Ổn định” lên “Tích cực” và tiếp tục khẳng định xếp hạng năng lực tài chính B+ (Tốt).

Một DN khác là VINARE cũng đã được A.M. Best khẳng định năng lực tài chính ở mức B++ (Tốt) và năng lực phát hành tín dụng của tổ chức phát hành (ICR) mức “bbb”.

Theo các chuyên gia trong ngành BH, đây là những tín hiệu tốt đối với thị trường BH phi nhân thọ Việt Nam, hướng tới mục tiêu công khai, minh bạch hơn, nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng sản phẩm và kiểm soát rủi ro đồng thời tạo điều kiện để DN khai thác các lợi thế của thị trường vốn, tìm kiếm hỗ trợ từ các nhà đầu tư và mở rộng thị trường. Ngoài các DN nói trên hiện một số DNBH khác cũng đang nỗ lực để được xếp hạng tín nhiệm.

Trao xếp hạng là một chuyện, tuy nhiên hàng năm A.M. Best đều đánh giá và xếp hạng lại các DN, do đó, để giữ vững và tiếp tục nâng cao thứ hạng của mình, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ các DNBH.

Đại diện các DNBH cũng cho rằng, để duy trì được kết quả xếp hạng TN cũng như tăng hạng DN sẽ phải nỗ lực để duy trì, nâng cao biên khả năng thanh toán, tăng trưởng vốn chủ sở hữu hàng năm, việc này khó bởi các cổ đông hàng năm đều muốn chia cổ tức cao. Do vậy nhiệm vụ mà DN phải đạt được là tăng trưởng doanh thu cao và đạt lợi nhuận cao để thỏa mãn cả 2 yêu cầu là đảm bảo chia cổ tức cao nhưng cũng giữ lại lợi nhuận tại DN để nâng cao biên khả năng thanh toán, vốn chủ sở hữu…, nhưng không phải do cổ đông đóng thêm.

Tổng giám đốc Bảo Minh Lê Văn Thành cũng chia sẻ, nhiệm vụ nặng nề của Bảo Minh là làm sao giữ vững được thứ hạng, theo đó, giải pháp mà Bảo Minh lựa chọn là tiếp tục quản lý chặt chẽ, giảm thiểu chi phí, giữ vững tốc độ tăng trưởng doanh thu gần như thị trường.

Cũng theo ông Thành, Bảo Minh sẽ kiểm soát rủi ro từ khâu khai thác, giám định, bồi thường, đồng thời kiểm soát tốt về chi phí quản lý, chi phí bán hàng, đảm bảo từng đồng chi phí để kinh doanh có hiệu quả cao. Bên cạnh đó, tiếp tục kiểm soát chặt công nợ, nâng cao hiệu quả của mảng đầu tư vốn hỗ trợ kinh doanh BH gốc; triển khai kênh bán hàng trực tuyến trên trang web để giảm chi phí…

Trong khi đó, chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 mới đây, Tổng giám đốc BIC Trần Hoài An cho biết, việc BIC được nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm từ “Ổn định” lên “Tích cực” và tiếp tục khẳng định xếp hạng năng lực tài chính ở mức B+ (Tốt) trong năm 2016 đã phản ánh năng lực vốn hóa dựa trên rủi ro của BIC được tăng cường sau khi có sự hợp tác và hỗ trợ của cổ đông chiến lược nước ngoài FairFax Asia Limited. Hiện BIC cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm duy trì và tăng xếp hạng của mình trong năm 2017.

Theo các chuyên gia trong ngành BH, việc được xếp hạng TN quốc tế là công cụ vô giá để chứng minh năng lực của DN cả trong nước và quốc tế, vì vậy DN cần phải có chiến lược để duy trì hoặc tăng xếp hạng của mình, nhất là trong bối cảnh thị trường vẫn còn tình trạng cạnh tranh gay gắt như hiện nay có thể gây tác động tới kết quả kinh doanh của DN, ảnh hưởng đến xếp hạng của DN./.

Theo (TBTCO)

0938 150 968
0938 150 968