TIÊU ĐIỂM TUẦN 14 NĂM 2017

Bảo hiểm Bảo Việt trở lại ngôi vương; Munich Re, Sompo hợp tác với Trov về InsurTech; Bảo hiểm khủng bố tăng trưởng mạnh.

14-1I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất

Bảo Việt Nhân thọ chi trả 9,8 tỷ đồng cho khách hàng gặp rủi ro

14-2(ĐTCK) – Ngày 13/4 vừa qua tại Hà Nội, Bảo Việt Nhân thọ đã tổ chức chi trả quyền lợi bảo hiểm cho một khách hàng gặp rủi ro với tổng số tiền 9,8 tỷ đồng. Đây là trường hợp chi trả quyền lợi bảo hiểm lớn thứ hai trong lịch sử chi trả của Bảo Việt Nhân thọ và cũng là một trong những trường hợp chi trả lớn nhất trên thị trường.

Anh Nguyễn V. H là chủ một doanh nghiệp tại Hà Nội, với ý thức dự phòng những rủi ro có thể xảy ra trong cuộc sống và hoạch định kế hoạch cho tương lai, đã tham gia bảo hiểm nhân thọ đầu tiên tại Bảo Việt Nhân thọ từ năm 1999.

Đặc biệt, anh đã mua các gói bảo hiểm nhân thọ cho người lao động công ty như là một chính sách giữ nhân tài và tăng cường phúc lợi cho cán bộ nhân viên chủ chốt, các hợp đồng này đã hai lần được nhận thanh toán đáo hạn.

Khi nhiều hợp đồng đáo hạn, tháng 4/2009, anh H tiếp tục đã tham gia một hợp đồng bảo hiểm Bảo Việt Nhân thọ cho bản thân với phí 120 triệu đồng/năm, số tiền bảo hiểm là 1,8 tỷ đồng.

Trong năm 2016, Bảo Việt Nhân thọ đã chi trả hơn 1.500 tỷ số tiền đáo hạn hợp đồng và 228 tỷ chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng.

4 năm sau, anh H tiếp tục tham gia cho mình hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thứ hai với mức phí năm là 500 triệu đồng và số tiền bảo hiểm lên tới 8 tỷ đồng. Tính tới thời điểm hiện tại, anh H và người thân đã tham gia 6 hợp đồng bảo hiểm, và 29 hợp đồng tập thể cho cán bộ nhân viên của công ty.

Đầu năm 2016, anh H phát hiện bị ung thư di căn. Ngay sau khi nhận được hồ sơ bệnh hiểm nghèo từ gia đình anh H, Bảo Việt Nhân thọ đã nhanh chóng thực hiện chi trả ngay tại bệnh viện với số tiền là 1 tỷ đồng ứng trước, để hỗ trợ gia đình phần nào chi phí chữa trị. Mặc dù sau một thời gian điều trị tích cực, đầu năm 2017, anh H không qua khỏi.

Với hai hợp đồng bảo hiểm đã tham gia tại Bảo Việt Nhân thọ, tổng số tiền bảo hiểm gia đình anh H sẽ được chi trả là 9,8 tỷ đồng. Bảo Việt Nhân thọ đã chia buồn sâu sắc với gia đình anh H và mong người thân của anh sẽ sớm vượt qua nỗi đau này.

Prudential chi trả quyền lợi cho khách hàng ở Gia Lai

14-3(ĐTCK) – Prudential Văn phòng An Khê vừa tiến hành chi trả quyền lợi bảo hiểm với tổng số tiền 100 triệu đồng cho gia đình em Tạ Thị Thu Vân. Thu Vân là một trong hai học sinh bị tử vong trên ô tô chở học sinh gặp tai nạn thảm khốc tại Gia Lai.

Được biết ngày 18/03/2017 tại H.Mang Yang, tỉnh Gia Lai, chiếc xe buýt đưa học sinh trường THPT Trần Hưng Đạo từ trường về nhà đã va chạm với xe tải đang điều khiển quay đầu xe gây ra vụ tai nạn thảm khốc.

Va chạm khiến 3 người chết (một tài xế và 2 học sinh), 15 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 40 triệu đồng.

Em Thu Vân đã không may tử vong tại chỗ. Ngay khi nhận được thông tin từ đại lý,cùng với thông tin qua phương tiện truyền thông, Prudential đã liên hệ với khách hàng và nhanh chóng tiến hành chi trả quyền lợi bảo hiểm trị giá 100 triệu đồng cho gia đình em Thu Vân theo đúng quy định.

Gia đình em Thu Vân tham gia bảo hiểm vói sản phẩm Phú Đăng Khoa Thành Tài của công ty bảo hiểm Prudential với mức phí đóng 11.097.700 đồng/năm. Người được bảo hiểm gồm em Thu Vân và 2 người trong gia đình.

Khi biến cố xảy ra với Thu Vân, gia đình được giải quyết quyền lợi bảo hiểm sau 02 năm đóng phí. Đồng thời, Prudential vẫn tiếp tục bảo vệ cho gia đình theo hợp đồng bảo hiểm đã được ký.

2. Một vòng doanh nghiệp

Bảo hiểm Bảo Việt dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ

14-4(ĐTCK) – Tập đoàn Bảo Việt vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2016 đã được kiểm toán với tổng doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 25.675 tỷ đồng, tăng trưởng 23,5% so với năm trước và vượt 14,1% kế hoạch năm.

Đặc biệt, trong năm 2016, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ của Bảo Việt tăng trưởng mạnh, đứng đầu trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam.

Cụ thể, Bảo hiểm Bảo Việt (công ty con của Tập đoàn Bảo Việt hoạt động trong lĩnh vực phi nhân thọ) vươn lên giữ vị trí số 1 thị trường với doanh thu phí bảo hiểm gốc, đạt 6.565 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 301 tỷ đồng.

Bảo hiểm PVI lùi lại vị trí thứ 2 với doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 6.527 tỷ đồng, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016 của Công ty cổ phần PVI- công ty mẹ của Bảo hiểm PVI.

Trong năm trước đó, 2015, dẫn đầu thị trường về doanh thu phí gốc là Bảo hiểm PVI với doanh thu đạt 6.675 tỷ đồng, tăng 16,66% so với cùng kỳ năm 2014, chiếm 20,84% thị phần. Tiếp đến là Bảo Việt với doanh thu ước đạt 5.934 tỷ đồng, tăng 4,97% so với năm 2014, chiếm 18,52% thị phần. Bảo Minh đứng thứ ba với doanh thu ước đạt 2.845 tỷ đồng, tăng 9,46% so với năm 2014, chiếm 8,88% thị phần.

Trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, Bảo Việt tiếp tục tăng trưởng mạnh về tổng doanh thu phí bảo hiểm và doanh thu khai thác mới, trong đó tổng doanh thu đạt 17.117 tỷ đồng, tăng trưởng 30,9%; doanh thu khai thác mới đạt 3.056 tỷ đồng, tăng 32,3% so với năm 2015.

Xét về cơ cấu, doanh thu bảo hiểm nhân thọ đạt 13.458 tỷ đồng trong năm 2016, chiếm tỷ trọng 52,4% trong tổng doanh thu hợp nhất; doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ đạt 7.192 tỷ đồng, đóng góp 28% vào doanh thu hợp nhất; lĩnh vực dịch vụ tài chính và khác đóng góp 19,6% tổng doanh thu hợp nhất với 5.025 tỷ đồng.

Bảo hiểm Bảo Việt: Nhà Bảo hiểm phương tiện phục vụ APEC 2017

14-5(BVH) – Tiếp nối chuỗi các hoạt động hợp tác của năm 2017 giữa Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo hiểm Bảo Việt) và Công ty Ô tô Á Châu (Audi Việt Nam), ngày 11/4/2017 tại Hà Nội hai bên đã ký hợp tác toàn diện và dịch vụ bảo hiểm cho đoàn xe Audi phục vụ hội nghị APEC 2017.

Theo thỏa thuận ký kết, Bảo hiểm Bảo Việt là đơn vị chính thức cung cấp sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm cho tất cả đoàn xe Audi phục vụ sự kiện APEC 2017 để chào đón các nguyên thủ quốc gia từ 21 nền kinh tế thành viên trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, 2.000 bộ trưởng cùng các quan chức cấp cao, 3.000 nhà báo và phóng viên, cùng 5.000 doanh nhân.

Đây là một trong những thỏa thuận hợp tác quan trọng tiếp theo trong chuỗi các hoạt động của hai bên. Cụ thể Công ty Ô tô Á Châu ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ bao gồm và không giới hạn các loại hình bảo hiểm của Bảo hiểm Bảo Việt cung cấp như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm công trình xây dựng … Bảo hiểm Bảo Việt cam kết cung cấp sản phẩm, dịch vụ với chất lượng cao, mức phí ưu đãi cho Công ty Ô tô Á Châu và cho các công ty trực thuộc hệ thống AUDI. Bảo hiểm Bảo Việt cũng ưu tiên giới thiệu sản phẩm, dịch vụ với chính sách ưu đãi của Công ty Ô tô Á Châu tới các khách hàng của mình.

Audi Việt Nam được Ủy ban Quốc gia APEC 2017 lựa chọn là đơn vị tài trợ xe chính thức của sự kiện APEC 2017. Nhằm phục vụ cho sự kiện diễn ra tại Việt Nam, Audi AG đã sản xuất những phiên bản giới hạn cho APEC 2017 gồm các mẫu: Audi A4 2.0 TFSI, A6 1.8 TFSI, Q7 2.0 TFSI quattro cũng như A5 Sportback 2.0 TFSI quattro hoàn toàn mới và Q5 2.0 TFSI quattro. Những trang thiết bị đặc biệt được dành riêng cho mỗi mẫu xe phục vụ APEC 2017 được lựa chọn kỹ lưỡng bởi Ủy ban Quốc gia APEC 2017.

Audi AG sở hữu những thương hiệu Audi, Ducati, Lamborghini, là một trong những nhà sản xuất ô tô thành công nhất ở phân khúc dòng xe cao cấp. Công ty hiện diện tại hơn 100 thị trường quốc tế và có 16 cơ sở sản xuất tại 12 quốc gia. Năm 2016, tập đoàn Audi phân phối cho khách hàng 1.867.738 xe ô tô của nhãn hiệu Audi.

Trong năm tài chính 2016, Tập đoàn Audi đạt được doanh thu 59,3 tỷ Euro và lợi nhuận hoạt động là 4.846 tỷ Euro. Hiện tại, khoảng 85.000 người làm việc cho công ty trên toàn thế giới, khoảng 60.000 người ở Đức. Audi tập trung vào các sản phẩm mới và công nghệ bền vững cho tương lai

Qua sự kiện ký kết lần này, hai bên tiếp tục chứng minh sự nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm mang tới sự trải nghiệm cùng sự hài lòng cao nhất về sản phẩm và chất lượng dịch vụ tốt nhất cùng nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng của hai bên.

BIC trong Top 100 Thương hiệu mạnh nhất Việt Nam 2016

14-6(TBTCO) – Tại liên hoan các doanh nghiệp Rồng vàng và Thương hiệu mạnh Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nội, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đã vinh dự được ban tổ chức vinh danh là 1 trong 100 Thương hiệu mạnh nhất Việt Nam năm 2016. Đây là lần thứ 6 BIC nhận được danh hiệu này.

Liên hoan các doanh nghiệp Rồng vàng và Thương hiệu mạnh Việt Nam do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức, được khởi xướng từ năm 2001, nhằm tôn vinh các doanh nghiệp lớn, có kết quả hoạt động tốt, phát triển nhanh, bền vững, có đóng góp tích cực cho cộng đồng, bảo vệ môi trường và đảm bảo quyền lợi người lao động. Năm nay, 61 doanh nghiệp FDI vinh dự nhận danh hiệu Rồng vàng và 100 doanh nghiệp trong nước đạt danh hiệu Thương hiệu mạnh.

Tiếp tục được vinh danh là Thương hiệu mạnh Việt Nam là sự ghi nhận xứng đáng đối với những nỗ lực và thành công của BIC trong giai đoạn vừa qua. Năm 2016, kết quả kinh doanh của BIC tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao và bền vững.

Cụ thể, tổng doanh thu phí bảo hiểm hợp nhất của BIC đạt gần 1.800 tỷ đồng, trong đó doanh thu phí bảo hiểm của riêng Công ty mẹ BIC đạt 1.671 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của BIC đạt 165,7 tỷ đồng, tiếp tục duy trì là 1 trong 5 công ty bảo hiểm có tỷ suất sinh lời cao nhất trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.

Giải thưởng này là động lực để BIC tiếp tục tái cơ cấu, áp dụng các biện pháp quản trị, điều hành tiên tiến và đổi công nghệ phù hợp với xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới.

MIC khu vực Đông Bắc hoàn thành 22,7% kế hoạch quý 1/2017

14-7(MIC) – Chiều ngày 4/4 tại Bắc Ninh, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) tổ chức tổng kết hoạt động kinh doanh Quý 1/2017 khu vực Đông Bắc.

Tính đến hết Quý 1/2017, Doanh thu khu vực Đông Bắc hoàn thành 22,7% so với kế hoạch, tăng trưởng 19,4% so với cùng kỳ xấp xỉ mức tăng trưởng của toàn Tổng công ty và cao hơn tốc độ tăng trưởng của thị trường 12%. Một số đơn vị đã hoàn thành trên 25% kế hoạch doanh thu như MIC Quảng Ninh, MIC Nam Định, MIC Bắc Ninh lọt vào TOP 5 đơn vị đạt tỷ lệ hoàn thành kế hoạch cao nhất Tổng công ty.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Như Hải – Phó TGĐ Thường trực đánh giá cao nỗ lực của CBNV MIC khu vực Đông Bắc đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn Tổng công ty. Mục tiêu quý 2, khu vực Đông Bắc phấn đấu hoàn thành 50% kế hoạch với nhiều giải pháp đột phá như đẩy mạnh hợp tác với các ngân hàng tiềm năng để bán bảo hiểm ngoài MB, Tienphong, Ocean Bank, NCB bank, Techcombank, phát động chương trình thúc đẩy kinh doanh bảo hiểm học sinh, bảo hiểm hộ sử dụng điện, tập trung hoàn thành các chỉ tiêu bán chéo qua MB, đẩy mạnh khai thác qua khách hàng quân đội và giải quyết bồi thường nhanh chóng cho khách hàng.

Tại buổi lễ, Phó TGĐ Phụ trách khu vực Đông Bắc đã khen thưởng MIC Nam Định, MIC Quảng Ninh và MIC Bắc Ninh đã hoàn thành kế hoạch doanh thu quý 1/2017. Hy vọng, với chỉ đạo sát sao, quan tâm, động viên kịp thời của Lãnh đạo Tổng công ty, các đơn vị MIC khu vực Đông Bắc sớm hoàn thành kế hoạch 6 tháng đầu năm 2017.

3. Nhịp đập thị trường

Doanh nghiệp bảo hiểm nỗ lực nâng hạng tín nhiệm

14-8(TBTCO) – Thị trường BH Việt ngày càng lớn mạnh và hội nhập sâu rộng, theo đó, nhu cầu được xếp hạng tín nhiệm (TN) đang tăng lên trong các nhà BH, bởi được xếp hạng TN sẽ là cơ hội để doanh nghiệp (DN) hoàn thiện hơn nữa về năng lực tài chính, quản lý rủi ro, năng lực quản trị… Đây cũng là “tấm giấy thông hành” không thể thiếu nếu DNBH Việt muốn tham gia sân chơi quốc tế.

Vì vậy, nhiều DNBH Việt đã nỗ lực để được xếp hạng TN từ A.M. Best – một tổ chức uy tín, chuyên đánh giá năng lực tài chính của các DNBH trên toàn cầu. Nếu không tính các DNBH nhân thọ nước ngoài được thừa hưởng xếp hạng quốc tế từ công ty mẹ ở nước ngoài và liên doanh Bảo hiểm Samsung Vina thì hiện nay có 3 DNBH phi nhân thọ và 2 DN tái bảo hiểm Việt được xếp hạng từ A.M. Best, bao gồm PVI, PVI Re, Vinare, BIC và mới đây nhất cuối năm 2016 là sự xuất hiện của Bảo Minh.

Cụ thể, Bảo Minh được A.M. Best đánh giá năng lực tài chính mức B++, sau 2 năm nghiên cứu toàn diện về các chỉ số của Bảo Minh. Kết quả đánh giá này đã phản ánh việc quản trị DN, quản trị tài chính của Bảo Minh ở mức tốt. Hiện Bảo Minh đứng vị trí thứ ba trên thị trường BH phi nhân thọ, với doanh thu năm 2016 ở mức 3.738 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 222,7 tỷ đồng, tổng tài sản trên 5.125 tỷ đồng. Năm 2016 Bảo Minh chia cổ tức lên tới 20%, trong đó 10% là tiền mặt, 10% là từ thặng dư vốn để tăng vốn góp lên 913 tỷ đồng.

Ngoài Bảo Minh, năm 2016, BIC cũng đã được A.M.Best nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm từ “Ổn định” lên “Tích cực” và tiếp tục khẳng định xếp hạng năng lực tài chính B+ (Tốt).
Một DN khác là VINARE cũng đã được A.M. Best khẳng định năng lực tài chính ở mức B++ (Tốt) và năng lực phát hành tín dụng của tổ chức phát hành (ICR) mức “bbb”.

Theo các chuyên gia trong ngành BH, đây là những tín hiệu tốt đối với thị trường BH phi nhân thọ Việt Nam, hướng tới mục tiêu công khai, minh bạch hơn, nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng sản phẩm và kiểm soát rủi ro đồng thời tạo điều kiện để DN khai thác các lợi thế của thị trường vốn, tìm kiếm hỗ trợ từ các nhà đầu tư và mở rộng thị trường. Ngoài các DN nói trên hiện một số DNBH khác cũng đang nỗ lực để được xếp hạng tín nhiệm.

Trao xếp hạng là một chuyện, tuy nhiên hàng năm A.M. Best đều đánh giá và xếp hạng lại các DN, do đó, để giữ vững và tiếp tục nâng cao thứ hạng của mình, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ các DNBH.

Đại diện các DNBH cũng cho rằng, để duy trì được kết quả xếp hạng TN cũng như tăng hạng DN sẽ phải nỗ lực để duy trì, nâng cao biên khả năng thanh toán, tăng trưởng vốn chủ sở hữu hàng năm, việc này khó bởi các cổ đông hàng năm đều muốn chia cổ tức cao.

Do vậy nhiệm vụ mà DN phải đạt được là tăng trưởng doanh thu cao và đạt lợi nhuận cao để thỏa mãn cả 2 yêu cầu là đảm bảo chia cổ tức cao nhưng cũng giữ lại lợi nhuận tại DN để nâng cao biên khả năng thanh toán, vốn chủ sở hữu…, nhưng không phải do cổ đông đóng thêm.

Theo các chuyên gia trong ngành BH, việc được xếp hạng TN quốc tế là công cụ vô giá để chứng minh năng lực của DN cả trong nước và quốc tế, vì vậy DN cần phải có chiến lược để duy trì hoặc tăng xếp hạng của mình, nhất là trong bối cảnh thị trường vẫn còn tình trạng cạnh tranh gay gắt như hiện nay có thể gây tác động tới kết quả kinh doanh của DN, ảnh hưởng đến xếp hạng của DN.

4. Tin đào tạo

Tổ chức Khóa đào tạo Nguyên lý bảo hiểm ứng dụng

14-9(IRT) – Nằm trong chuỗi các khóa đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ bảo hiểm nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thị trường bảo hiểm của Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm, khóa đào tạo Nguyên lý bảo hiểm ứng dụng là khóa đào tạo đầu tiên nhằm vào đối tượng là lãnh đạo cấp phòng, ban trở lên tại các doanh nghiệp bảo hiểm.

Sáng ngày 11/4/2017, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Bảo hiểm (Trung tâm) đã tổ chức khai giảng khóa đào tạo Nguyên lý bảo hiểm ứng dụng. Tham dự khóa đào tạo là Lãnh đạo các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, Lãnh đạo các phòng, ban nghiệp vụ tại các DNBH Phi nhân thọ.

Với thời lượng đào tạo 3 ngày (từ 11-13/4/2017), giảng viên Hoàng Minh Tuấn – Trưởng văn phòng đại diện Asia Capital Việt Nam – sẽ thông qua việc phân tích các nguyên lý nền tảng của bảo hiểm để cùng các học viên hướng tới mục tiêu của khóa học: hiểu được sự vận hành của các nguyên lý bảo hiểm áp dụng trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ; Giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ mà những người làm việc lâu năm trong ngành bảo hiểm thường gặp do giải quyết công việc theo kinh nghiệm và thói quen thay vì theo nguyên lý nền tảng của ngành bảo hiểm; học viên cũng sẽ hiểu rõ hơn các quy định của luật pháp, bản chất của hoạt động kinh doanh bảo hiểm để định hướng và sắp xếp hoạt động kinh doanh nghiệp vụ theo chuẩn mực kinh doanh bảo hiểm quốc tế.

Tổ chức khóa đào tạo cơ bản về bảo hiểm phi nhân thọ

14-10(IRT) – Từ ngày 10-14/4/2017, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm đã tổ chức khóa đào tạo cơ bản về bảo hiểm phi nhân thọ cho 63 học viên đến từ các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam.

Trong thời gian 5 ngày đào tạo, khóa học trang bị cho các học viên những kiến thức về lý thuyết và thực tế trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ như: Tổng quan về bảo hiểm, Hợp đồng bảo hiểm; bảo hiểm con người, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm hàng hóa, bảo hiểm tàu thuyền, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm kỹ thuật, bảo hiểm trách nhiệm và tái bảo hiểm.

Tại khóa đào tạo, ngoài việc cung cấp những kiến thức về các nghiệp vụ trong bảo hiểm phi nhân thọ, giảng viên còn đưa ra các tình huống thực tế trên thị trường, phương hướng giải quyết và giải đáp các vướng mắc mà học viên gặp phải trong quá trình triển khai nghiệp vụ tại đơn vị.

Tính tới thời điểm hiện tại, đây là khóa đào tạo cơ bản về bảo hiểm phi nhân thọ thứ hai được IRT triển khai trong năm 2017, khóa thứ nhất đã diễn ra vào ngày 9-10/03/2017 tại TP. Hồ Chí Minh và nhận được sự đánh giá cao từ các học viên tham gia học tập. Trung tâm tiếp tục thực hiện đào tạo các khóa cơ bản về bảo hiểm phi nhân thọ vào những tháng tiếp theo trong năm 2017.

5. Bảo hiểm với cộng đồng

PJICO tặng 1.000 mũ bảo hiểm cho trẻ em Việt Nam

14-11(PJICO) – Ngày 7/4, tại TP. HCM, Tổng công ty CP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đã phối hợp cùng Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức chương trình trao tặng mũ bảo hiểm cho các em học sinh của trường Tiểu học Hòa Bình, Quận 1, TP. HCM. Tham gia chương trình có các đại sứ dự án và các cơ quan thông tấn báo chí.

Đây là hoạt động nằm trong dự án “An toàn cho trẻ em từ 3-6 tuổi khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe máy” mà PJICO cam kết hỗ trợ 1.000 mũ bảo hiểm cho trẻ em Việt Nam nhằm mục đích chống tai nạn thương tích, nâng cao hiểu biết ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông cho học sinh, giáo dục cộng đồng ý thức tuân theo Pháp luật để giảm thiểu tai nạn. Chương trình đã trao tặng cho các em học sinh những chiếc mũ đạt chuẩn, phù hợp với lứa tuổi.

Đối với PJICO, đây là hoạt động thường xuyên, có ý nghĩa lớn và mang tính nhân văn sâu sắc. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp PJICO hưởng ứng chương trình trao tặng mũ bảo hiểm do Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam cũng như Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia vận động. Bên cạnh hoạt động kinh doanh, PJICO luôn quan tâm và là doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả trách nhiệm an sinh xã hội và phát triển cộng đồng.

6. Tin quốc tế

Bảo hiểm khủng bố tăng trưởng mạnh

14-12(IAN) – Từ vụ tấn công khủng bố tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới tại New York ngày 11/9/2001, thị trường bảo hiểm khủng bố toàn cầu đã có bước tăng trưởng nhảy vọt.
Theo ông Julian Taylor, Giám đốc Quản lý khủng hoảng (châu Á) tại công ty Giải pháp Rủi ro Aon, chỉ tính riêng thị trường Singapore đã đạt doanh thu phí 100 triệu USD, trong đó bao gồm bảo hiểm bạo lực chính trị.

Do hậu quả của thảm họa khủng bố 11/9, các công ty bảo hiểm đã phải bỏ ra những khoản tiền rất lớn để bồi thường tổn thất và trả tiền bảo hiểm.

Theo ước tính, tổng giá trị tổn thất được bảo hiểm lên tới 50 tỷ USD.

Sau đó, nhiều hãng bảo hiểm đã tung ra thị trường hàng loạt sản phẩm bảo hiểm khủng bố mới nhằm đáp ứng nhu cầu tăng vọt.

Mặc dù rủi ro khủng bố ở Singapore ở mức khá thấp, song nhiều doanh nghiệp tại đây vẫn tích cực mua loại hình bảo hiểm này để phòng ngừa những bất ổn trong khu vực.

Về mặt địa lý, Singapore nằm giữa các quốc gia có những người Hồi giáo cực đoan trở về từ Syria và luôn nhắm vào các mục tiêu kinh tế Phương Tây.

AIG khó thu hút nhân tài do khủng hoảng đạo đức

14-13(IAN) – Theo báo cáo của công ty nghiên cứu và phân tích UBS, công ty bảo hiểm AIG cần phải vượt qua khủng hoảng đạo đức vẫn đang tiếp diễn nếu họ muốn thu hút nhân tài vào Hội đồng quản trị.

Thông qua phỏng vấn nhân viên tại các doanh nghiệp, UBS đã xếp hạng 10 công ty bảo hiểm toàn cầu từ cơ hội nghề nghiệp đến triển vọng kinh doanh.

Kết quả phân tích dựa trên dữ liệu của Glassdoor – công ty vận hành website về nghề nghiệp và cơ sở dữ liệu của hàng triệu doanh nghiệp.

Theo ông Brian Meredith, chuyên gia phân tích tại UBS, năm 2016, AIG xếp cuối bảng đối với 7 trên 10 tiêu chí do người dùng của Glassdoor bình chọn, trong đó có tiêu chí về người lao động và đại lý.

Năm 2012, AIG xếp hạng gần cuối bảng đối với tất cả các tiêu chí.

Theo thông báo của AIG hồi tháng trước, Tổng Giám đốc Peter Hancock sẽ nghỉ việc trong thời gian tới, sau giai đoạn hoạt động kém hiệu quả.

UBS nhận định, nếu khủng hoảng đạo đức vẫn tiếp diễn, kế hoạch phục hồi 2 năm của hãng có thể đứng trước nguy cơ phá sản.

Dai-ichi Life tìm kiếm cơ hội tăng trưởng thị phần tại Đông Nam Á

14-14(IAN) – Hãng bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản Dai-ichi Life đang tìm kiếm cơ hội nâng thị phần của mình tại thị trường bảo hiểm Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng, sau khi đã có được giấy phép mở văn phòng đại diện tại Myanmar.

Dai-ichi Life là công ty bảo hiểm lớn thứ ba tại Nhật Bản về doanh thu và là một trong hai công ty bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản đặt văn phòng đại diện tại Myanmar. Trước đó, công ty BHNT Taiyo Life đã mở văn phòng tại Myanmar từ năm 2012.

Thời gian qua, Dai-ichi Life đã đẩy mạnh việc nắm bắt các cơ hội đầu tư tại châu Á, đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam, Ấn Độ, Singapore, Indonesia và Thái Lan.

Myanmar với dân số 53 triệu người và nền kinh tế tăng trưởng 7% thực sự là điểm đến hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có Dai-ichi Life.

Năm vừa qua, Dai-ichi Life đã đạt được giấy phép mở văn phòng đại diện tại Yangon từ Bộ Kế hoạch và Phát triển Kinh tế Quốc gia Myanmar.

Ping An cam kết đầu tư 1 tỷ USD/năm cho công nghệ

14-16(IAN) – Hãng bảo hiểm Ping An của Trung Quốc sẽ tiếp tục cam kết mở rộng đầu tư vào lĩnh vực phát triển Internet.

Theo ông Jessica Tan, Tổng Giám đốc Tập đoàn, Ping An sẽ tiếp tục rót 1 tỷ USD vào các dịch vụ Fintech (công nghệ tài chính) và bảo hiểm sức khỏe.

Ông Tan cho biết, mặc dù sử dụng nền tảng Internet phải tốn kém khá nhiều chi phí ban đầu, song sau đó lại dễ dàng đem lại lợi nhuận đáng kể khi chi phí cố định đã được trang trải và quy mô kinh doanh mở rộng.

Ông Tan cũng chia sẻ rằng Ping An đã dành ra 1% doanh thu hàng năm cho mục tiêu tìm kiếm cơ hội đầu tư mới vào công nghệ.

Công ty sẽ tiếp tục duy trì cách làm này trong tương lai nhằm phát triển Fintech và bảo hiểm sức khỏe trở thành những lĩnh vực kinh doanh then chốt của mình.

Sumitomo và BNP hợp tác phát triển sản phẩm bảo hiểm giá rẻ

14-16(IAN) – Ngân hàng BNP Paribas Cardif của Pháp và ngân hàng Sumitomo Mitsui Trust Bank của Nhật Bản đang hợp tác xây dựng các đơn bảo hiểm cơ bản với mức phí thấp cho người tiêu dùng tại đất nước mặt trời mọc.

Theo thỏa thuận, ngân hàng BNP Paribas sẽ thành lập chi nhánh tại Nhật Bản trong năm tới, trong đó Sumitomo Mitsui Trust Holdings nắm giữ khoảng 20% cổ phần. Chi tiết của giao dịch này không được tiết lộ.

Với tỷ lệ sở hữu trên, Sumitomo Mitsui Trust Bank sẽ có thành viên trong Hội đồng quản trị và chi nhánh này sẽ được phản ánh trên báo cáo tài chính của Sumitomo Mitsui dưới dạng công ty liên kết.

Báo cáo cho biết, BNP Paribas và Sumitomo Mitsui sẽ cùng hợp tác để phát triển các sản phẩm bảo hiểm, chẳng hạn bảo hiểm y tế và ung thư, hướng tới đối tượng khách hàng mục tiêu là những khách hàng vay vốn ngân hàng trong độ tuổi 30, 40.

Trong năm tài chính 2015, Sumitomo Mitsui Trust Bank đạt doanh thu 17,5 tỷ Yên (160 triệu USD) hoa hồng từ việc bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Allianz bổ nhiệm Giám đốc phát triển doanh nghiệp khu vực

14-17(IAN) – Allianz vừa bổ nhiệm bà Julia Zheng Kuik giữ chức Giám đốc Phát triển doanh nghiệp khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trước khi gia nhập Allianz, bà Kuik là Giám đốc Phát triển kinh doanh khu vực châu Á của IAG.

Tại cương vị này, bà sẽ chịu trách nhiệm phát triển kinh doanh của Allianz tại châu Á, tập trung vào các hoạt động M&A, liên doanh và đối tác mới.

Allianz cho biết, bà Kuik cũng sẽ quản lý các bộ phận về nguồn lực bên trong và bên ngoài, tập trung vào quản trị các hoạt động liên quan đến M&A.

Bà có trách nhiệm báo cáo lên Giám đốc khu vực, ông George Sartorel, và cũng sẽ tham gia Hội đồng Quản trị khu vực, chịu trách nhiệm xây dựng và thực thi chiến lược tăng trưởng của Allianz tại châu Á.

Chubb bổ nhiệm Giám đốc Điện và Năng lượng châu Á

14-18(IAN) – Chubb vừa bổ nhiệm ông Titus Samuel làm Giám đốc Điện và Năng lượng tại châu Á.
Ông Titus Samuel sẽ làm việc tại Singapore và báo cáo lên ông Mick Peacock, Giám đốc Điện và Năng lượng của Chubb khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo ông Peacock, ông Samuel sẽ giúp xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng và môi giới, đồng thời sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của danh mục bảo hiểm điện và năng lượng của hãng tại châu Á.

Trước đó, ông Samuel đã từng đảm nhiệm công việc về quản trị rủi ro bậc cao đối với các dự án hoạt động và xây dựng trong các lĩnh vực phát điện, dầu khí và hạ tầng công nghiệp hóa dầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Munich Re và Sompo hợp tác với Trov về InsurTech

14-19(IAN) – Munich Re và Sompo Holdings sẽ phối hợp với công ty công nghệ bảo hiểm Trov nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh của công ty này tại châu Âu, châu Á và Nam Phi.

Năm 2016, Trov đã triển khai hoạt động kinh doanh tại Australia và Anh quốc thông qua các thỏa thuận với Suncorp và Axa.

Tiếp đó, Trov sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi kinh doanh của mình ra Nhật Bản và Hoa Kỳ với các đối tác Munich Re và Sompo có chức năng đánh giá rủi ro bảo hiểm.

Munich Re, thông qua công ty đầu tư mạo hiểm HSB Venture của mình, đã đầu tư 45 triệu USD vào Trov.

Về phần mình, Sompo đã tham gia vòng gọi vốn đầu tư của Trov, qua đó nâng tổng số vốn huy động được của Trov lên 85 triệu USD.

Trong một phát ngôn mới đây, Trov cho biết các nguồn vốn đầu tư mới sẽ được sử dụng để phát triển sản phẩm mới, thúc đẩy các lĩnh vực kinh doanh hiện tại và mở rộng hoạt động kinh doanh quốc tế.

Trung Quốc: DN bảo hiểm tập trung đầu tư vào sản phẩm lãi suất cố định

14-20(IAN) – Các công ty bảo hiểm niêm yết lớn tại Trung Quốc sẽ tiếp tục tập trung vào các sản phẩm lãi suất cố định và thúc đẩy hoạt động đầu tư ra hải ngoại trong năm nay.

Chẳng hạn China Life, công ty BHNT lớn nhất thế giới về giá trị thị trường, đang lựa chọn cách tiếp cận thận trọng và sẽ tìm kiếm các cơ hội để tăng cường đầu tư vào các sản phẩm lãi suất cố định, theo Phó Tổng Giám đốc Zhao Lijun.

Ông cho biết, China Life cũng sẽ đầu tư thông qua các trung tâm giao dịch Kết nối Chứng khoán Thượng Hải-Hồng Kông và Kết nối Chứng khoán Thâm Quyến-Hồng Kông.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm Nhân dân Trung Quốc (PICC), ông Yu Xiaoping, cho biết, công ty đang cân nhắc các bước đi thận trọng song cũng rất lạc quan về thị trường vốn năm nay và sẽ tăng cường hoạt động đầu tư ra hải ngoại.

Khoảng 56,3% trong số 808 tỷ Tệ (117 tỷ USD) tổng tài sản đầu tư của PICC vào cuối năm 2016 là các sản phẩm lãi suất cố định.

Hãng bảo hiểm Ping An sẽ tiếp tục duy trì lựa chọn sản phẩm lãi suất cố định, trong khi vẫn đầu tư vào các lĩnh vực bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm y tế và chứng khoán hàng tiêu dùng và công nghệ cao.

BTV (tổng hợp).

0938 150 968
0938 150 968